Viêm đại tràng co thắt là bệnh lý thường gặp, tuy lành tính nhưng có thể gây ám ảnh cho người bệnh bởi những những triệu chứng dai dẳng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy đâu là những dấu hiệu báo hiệu đại tràng đang gặp vấn đề, nguyên nhân gây bệnh và điều trị ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.

Viêm đại tràng co thắt là gì?

Viêm đại tràng co thắt còn có tên gọi khác là hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng chức năng, rối loạn chức năng đại tràng…

Viêm đại tràng co thắt là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Thomson W.D. (1990) đã định nghĩa về viêm đại tràng co thắt là các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.

Như vậy, viêm đại tràng co thắt được đặc trưng bởi 3 cơ chế chính sau:

  • Sự cảm thụ bất thường chức năng ống tiêu hóa: Tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ kích thích.
  • Thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột.
  • Rối loạn vận động của ruột, tăng nhu động ruột gây ỉa chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón.

Đối tượng nguy cơ dễ mắc viêm đại tràng co thắt

Theo một số tài liệu khảo sát cho thấy có khoảng 20% dân số trên thế giới bị viêm đại tràng co thắt. Tính riêng ở Việt Nam thì có khoảng 30 – 40% bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa gặp các vấn đề về viêm đại tràng co thắt. Viêm đại tràng co thắt là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, trung bình cứ 4 nữ giới có một nam giới mắc viêm đại tràng co thắt. Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng co thắt là bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý, những đối tượng có chế độ sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích…

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt

Triệu chứng của viêm đại tràng co thắt khá giống với một số bệnh đường tiêu hóa khác, tuy nhiên cũng có những đặc điểm đặc trưng như: Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo:

+ Giảm đi sau đại tiện.

+ Thay đổi hình dạng khuôn phân.

+ Thay đổi số lần đi đại tiện.

Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng không phổ biến khác như:

+ Số lần đại tiện không bình thường.
+ Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão).
+ Đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà xí, hoặc phải rặn nhiều,hoặc cảm giác đi chưa hết phân.
+ Bụng chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng.
+ Phân có nhầy mũi nhưng không bao giờ có máu.

Các triệu chứng không đặc hiệu trên luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ và thức ăn đồ uống. Nếu ăn uống các thức ăn không thích hợp ngay lập tức xuất hiện các triệu chứng rối loạn; nếu ăn kiêng các triệu chứng có thể hết.

Tất cả các triệu chứng này có thể khác nhau ở từng người và ở mỗi bệnh nhân lại có thể khác nhau tùy từng thời điểm, ngoài các triệu chứng đặc trưng biểu hiện ở đường tiêu hóa thì theo thời gian, nếu bệnh nhân mắc bệnh kéo dài còn có thể gặp phải các vấn đề khác như mất ngủ, rối loạn tâm lý (lo lắng, sợ bệnh hiểm nghèo...)

Viêm đại tràng co thắt: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị và phòng bệnh (Ảnh minh họa)

Làm gì để chẩn đoán viêm đại tràng co thắt

Khi gặp các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt, người bệnh nên đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác bệnh. Một số xét nghiệm người bệnh có thể phải thực hiện tại các cơ sở thăm khám bao gồm:

+ Xét nghiệm máu.
+ Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn bình thường.
+ Xét nghiệm mô bệnh học đại tràng bình thường.
+ Chụp X.Q khung đại tràng, bình thường hoặc có rối loạn co bóp nhu động. Nội soi đại-trực tràng bình thường.

Đặc biệt nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng tăng nặng sau của bệnh thì cần đi khám gấp để xác định xem bệnh có biến chứng hay không. Viêm đại tràng co thắt tuy là bệnh lý phổ biến lành tính nhưng nếu để bệnh kéo dài cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bao gồm:

+ Chán ăn, sụt cân.
+ Thiếu máu.
+ Sốt, xét nghiệm máu thấy có tăng bạch cầu, tốc độ máu lắng tăng.
+ Đại tiện phân có nhầy máu.
+ Phân nhỏ dẹt thường xuyên.
+ Các triệu chứng rối loạn phân mới xảy ra ở người lớn hơn 40 tuổi.
+ Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng.

Viêm đại tràng co thắt cần phân biệt với các bệnh lý nào?

Viêm đại tràng co thắt tùy theo triệu chứng cần phân biệt với một số bệnh lý khác. Với viêm đại tràng co thắt có ỉa chảy cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm trùng đường ruột, suy giảm miễn dịch, ung thư đại-trực tràng, u lympho ruột, dị ứng thức ăn, thiếu men lactase, viêm loét đại trực tràng chảy máu, viêm đại tràng vi thể....

Viêm đại tràng co thắt có táo bón - đau bụng nổi trội cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như u đại tràng, bệnh to giãn đại tràng, u tụy, ngộ độc chì, bệnh sỏi mật và viêm túi mật, rối loạn chuyển hóa porphyrine, ngộ độc chì, thoát vị....

Nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt

Hiện nay, y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm đại tràng co thắt nhưng vẫn có thể đánh giá được các yếu tố nguy cơ chính. Một số yếu tố nguy cơ dễ gây ra viêm đại tràng co thắt bao gồm:

- Nhu động ruột hoạt động kém

Nhu động ruột là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, giúp co bóp trộn đều thức ăn và vận chuyển qua các bộ phận của đường tiêu hóa. Các nghiên cứu chỉ ra, người bị đại tràng co thắt có nhu động ruột kém làm cho cường độ co bóp thay đổi bất thường, nhanh hoặc chậm khác nhau ở từng người bệnh. Nếu cường độ co bóp nhanh có thể gây triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng. Nếu co bóp chậm có thể làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn khiến phân trở nên khô cứng, gây táo bón.

- Tâm lý căng thẳng, lo lắng kéo dài

Đây là yếu tố hàng đầu dẫn tới viêm đại tràng co thắt và nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tâm lý càng mất ổn định, stress tăng thì triệu chứng viêm đại tràng co thắt lại càng rõ ràng.

Lo lắng, stress còn có thể khiến các tín hiệu giữa não và ruột phối hợp kém, gây những rối loạn của quá trình tiêu hóa. Điều này lí giải tại sao bệnh nhân đại tiện thất thường, lúc bị tiêu chảy, lúc bị táo bón.

- Viêm ruột, nhiễm trùng

Ở người bị viêm đại tràng co thắt, hệ miễn dịch đường ruột cũng suy giảm. Nếu vi khuẩn, virus nhân cơ hội gây bệnh nhiễm trùng thì bệnh càng nguy hiểm. Triệu chứng thấy rõ của tình trạng này là tiêu chảy nặng kéo dài.

- Ăn uống kém lành mạnh

Chế độ ăn uống kém lành mạnh, cụ thể như ăn nhiều đồ cay nóng, thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản, thức ăn để lâu hoặc không đảm bảo vệ sinh; thường xuyên sử dụng bia, rượu, nước ngọt có ga và các chất kích thích khác...

- Rối loạn nội tiết tố

Theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với đàn ông, nguyên nhân chủ yếu do thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hay tiền mãn kinh.

Viêm đại tràng co thắt có nguy hiểm không?

Những triệu chứng cấp tính của viêm đại tràng co thắt tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng có thể gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong công việc, sinh hoạt. Đặc biệt là khi những triệu chứng này có thể xảy ra bất cứ khi nào, không chủ động kiểm soát được có thể khiến người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng, phải kiêng khem khổ sở, không dám ăn uống thoải mái, người bệnh ngại tụ tập, đi chơi, du lịch. Những lo lắng của tâm lý lại làm tình trạng bệnh đã khó chữa nay lại càng nặng lên.

Bệnh không được chữa trị để lâu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư đại tràng.

Điều trị viêm đại tràng co thắt thế nào để hiệu quả nhất

Viêm đại tràng co thắt đặc trưng bởi các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm, bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Vai trò của bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi điều trị vô cùng quan trọng. Việc tái khám là cần thiết để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình điều trị.

Một số lưu ý khi điều trị viêm đại tràng co thắt:

- Tập chung điều trị các triệu chứng chính của bệnh.

- Không có thuốc riêng biệt nào điều trị hết mọi triệu chứng, tất cả các triệu chứng của bệnh nên việc phối hợp thuốc trong điều trị là cần thiết.

- Việc dùng thuốc có thể làm hết hoàn toàn các triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh, ở một số bệnh nhân, các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất sau điều trị nhưng rất dễ tái phát.

- Không nên dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn ruột.

Các phương pháp điều trị cụ thể bao gồm:

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bệnh nhân mắc viêm đại tràng co thắt nên tránh ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, soài, mít...); Đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích (rượu, cà fê, gia vị chua cay...); Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt; Nếu có ỉa chảy tránh ăn qua nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...).

- Xây dựng chế độ luyện tập rất cần thiết, luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện; Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.

- Sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống đau, giảm co thắt: Duspataline, No-spa, Spasfon...; Thuốc chống táo bón: uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, thuốc nhuận tràng (Forlax, Tegaserod, Duphalac...); Chống ỉa chảy: Smecta, Actapulgite, Imodium....; Chống sinh hơi: Meteospasmyl, pepsan, than hoạt...; Thuốc an thần kinh: Rotunda, Seduxen, Dogmatyl..

- Dùng các thuốc có nguồn gốc thảo dược đã được bộ Y tế cấp phép là thuốc điều trị để tăng cường công năng hệ tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng. Việc dùng thuốc thảo dược cũng có thể hạn chế được một số các tác dụng phụ không mong muốn khi phải dùng thuốc kéo dài.

Trong quá trình điều trị nên có sự theo dõi và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Tổng đài tư vấn và theo dõi điều trị miễn cước 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338