Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa hè
Thời tiết nắng nóng mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng chống các dịch bệnh mùa hè là hết sức cần thiết.
Thời tiết nắng nóng mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng chống các dịch bệnh mùa hè là hết sức cần thiết trong mỗi bếp ăn.
Ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc; thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia không an toàn...
Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong.
Ngộ độc thực phẩm được biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt....
Mùa hè với thời tiết nóng và ẩm, nguyên liệu tươi sống không được bảo quản đúng cách, chế biến thức ăn không đủ nhiệt độ, nấu xong không ăn ngay, đồ ăn để lâu ngoài môi trường, lưu trữ nhiều ngày trong tủ lạnh…dẫn đến nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng là thời điểm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột…Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với nhiều người có thói quen sử dụng thức ăn đường phố.
Khi thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thì sẽ gây ra rất nhiều bệnh lý như: bệnh tả, bệnh viêm ruột - dạ dày, bệnh viêm cấp tiểu - đại tràng do vi khuẩn và độc tố ruột; bệnh viêm dạ dày - tiểu tràng cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng, ăn thức ăn nguội hoặc kể cả các thức ăn bị nhiễm tụ cầu đã được nấu chín.... Đã có những trường hợp tử vong thương tâm vì ngộ độc thực phẩm.
Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, đặc biệt vào thời điểm hè như hiện nay, Cục an toàn thực phẩm, bộ Y tế khuyến cáo thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn:
1. Chọn thực phẩm an toàn
Mua thực phẩm ở những nơi tuần thủ đúng các điểu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tiêu dùng thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc.
Để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất,
người dân cần chủ động trong việc phòng chống ngộ độc thực phẩm.
2. Nấu chín kĩ thức ăn
Thực phẩm tươi sống dễ chứa các mầm bệnh, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thực hiện ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt không ăn các loại tiết canh.
Nên nấu thức ăn ở nhiệt độ ít nhất là 70 độ C trong trong 15 phút
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Thực phẩm nấu chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Chúng ta nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.
Ăn thực phẩm ngay khi còn nóng là một trong những khuyến cáo nhằm giảm tình trạng ngộ độc thực phẩm
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín, bảo quản ở nhiệt độ an toàn
Nếu thực phẩm nấu xong chưa ăn ngay thì phải bảo quản ở điều kiện nhiệt độ nóng (gần 60 độ C) hoặc lạnh (gần hoặc dưới 50 độ C). Tất cả loại thực phẩm cho trẻ em không nên bảo quản. Không bảo quản số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh. Không bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh.
5. Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn
Trong điều kiện không thể ăn ngay sau khi nấu, sau 2 giờ phải đun lại trước khi ăn. Đây là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm.
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín
Thực phẩm nấu chín có thể bị ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Nếu để chung sẽ tái sản sinh các sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm.
Chẳng hạn như không chế biến thịt sống và sau đó dùng chung thớt và dao để thái thịt đã nấu chin,
không để chung thực phẩm sống và chín trong cùng tủ lạnh
7. Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm
Rửa tay kĩ trước khi chế biến thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến. Nếu tay bạn có vết thương, phải băng và bọc kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm.
Sau khi chế biến thực phẩm sống, chẳng hạn như cá, thịt hoặc thịt gia cầm,
bạn nhớ nên rửa tay lại thật sạch trước khi bạn chế biến các thực phẩm khác.
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm, bất kỳ bề mặt nào sử dụng để tiếp xúc thực phẩm phải được giữ sạch sẽ. Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng.
Chỉ cần một mẫu nhỏ thực phẩm cũng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của các mầm bệnh
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác
Động vật thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Cách tốt nhất bạn nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín.
10. Sử dụng nguồn nước sạch
Nên sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống, đun sôi nước trước khi làm đá cho các đồ uống.
Thực phẩm có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người, nhưng sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn đều có thể bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người trong xã hội.
Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nên khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì người dân phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.