Làm thế nào để nhận biết bệnh viêm đại tràng mạn tính?

Các triệu chứng giúp nhận biết bệnh lý viêm đại tràng bao gồm đại tiện ra máu, đau quặn bụng, sụt cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi về đêm. Trong đó triệu chứng đau bụng thường xảy ra ngay sau khi người bệnh viêm đại tràng vừa ăn xong, bệnh nhân ăn quá no, ăn phải thức ăn lạ, cay nóng…

Người mắc viêm đại tràng có thể bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có lẫn máu tươi hoặc dịch nhầy do hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả. 

Bụng dưới có cảm giác đau thắt, rối loạn đại tiện, mót rặn, sau đau hậu môn, cảm giác này chỉ hết sau khi bệnh nhân viêm đại tràng đi đại tiện, chính vì nguyên nhân này mà bệnh nhân đại tiện nhiều lần trong ngày.

Viêm đại tràng kéo dài có thể làm cho cơ thể thiếu máu, giảm albumin, sút cân do không hấp thụ dinh dưỡng. Hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả nên hiệu quả hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn kém, bên cạnh đó một phần do bệnh nhân bị chứng sợ ăn làm cơ thể suy dinh dưỡng, sút cân nghiêm trọng.

Từ những dấu hiệu trên, có thể sớm nhận biết bệnh lý viêm đại tràng và đi thăm khám sớm. 

Tại sao phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng ở bệnh nhân viêm đại tràng

Nếu không có chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh đại tràng mạn tính cũng như có chế độ điều trị đúng cách có thể làm diễn tiến bệnh nặng hơn và tiến triển thành mạn tính, bệnh nhân phải sống chung với bệnh lâu dài. Không điều trị đúng cách cũng có thể khiến bệnh nhân gặp phải những biến chứng nguy hiểm của viêm đại tràng, biến chứng nguy hiểm nhất phải kể tới ung thư đại tràng.

 

Vậy điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm đại tràng ra sao? Cần lưu ý những gì? (Ảnh minh họa)

Khi bệnh nhân bị viêm đại tràng mạn tính thì có thể đang ở một trong hai giai đoạn bệnh: bệnh trong giai đoạn phát bệnh hay còn gọi là viêm đại tràng cấp tính và bệnh trong thời gian không đau. Căn cứ vào tình trạng diễn tiến đó để chúng ta có thể có chế độ ăn uống hợp lý. 

Khi bệnh trong thời gian biểu hiện với các đợt cấp tính của bệnh cần: ăn thức ăn dễ tiêu, nếu bị táo bón cần ăn nhiều chất xơ, hạn chế ăn chất béo và không nên ăn nhiều cùng một lúc mà nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy thì không không nên ăn thức ăn cứng, sẽ gây tổn thương lên thành đại tràng, ăn thức ăn mềm, không nên ăn hoa quả có vỏ và nên loại bỏ vỏ trong khi ăn.

Trong bữa ăn cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh, nhất là trong thời gian bệnh không có các triệu chứng cấp tính, cần cho bệnh nhân ăn tăng cường, mục đích nhằm tận dụng thời gian này tẩm bổ và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, bù lại thời gian bệnh nhân khó ăn và tiêu hoá kém.

Nên đa dạng các loại thức ăn: Gạo, khoai tây, thức ăn họ đậu, các loại thức ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu hoá để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hoá. Các loại thức ăn cần chế biến kỹ trước khi ăn…

Không nên ăn các loại thức ăn khó tiêu, tái, muối, sống như: trứng, dưa, cà muối, nem, gỏi… Kiêng các loại thức ăn nhiều lactose, nhiều đường như sữa, hoa quả ngọt, mật ong, kẹo… (có nguy cơ gây chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy…) Bên cạnh đó cần chú ý tránh các loại thức ăn cứng để tránh làm tổn thương hệ tiêu hoá, hạn chế thức ăn rán xào mà nên ăn thức ăn luộc hoặc hấp.

Ngoài điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ để bệnh sớm cải thiện.