Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có 2 biểu hiện, biểu hiện thứ nhất nhìn thấy ngay là nôn, biểu hiện thứ hai là tiêu chảy. Bên cạnh hai biểu hiện này, biểu hiện có thể thấy thêm ở từng trẻ như đầy bụng, khó chịu, ợ hơi. Đặc biệt, với rối loạn tiêu hóa, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý đến vấn đề ăn uống cho bé.  

Theo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nhi, các bé bị rối loạn tiêu hóa cần phải có một chế độ ăn đặc biệt. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên rất nhạy cảm, dễ phản ứng và có thể khiến trẻ bị dị ứng với thức ăn, gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là với những bé có cơ địa yếu dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón.. ).

Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài thì sức đề kháng sẽ giảm, dễ biếng ăn, chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.

Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé như sau:

– Đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.

– Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn cần phải nhai khi trẻ chưa có đủ răng, vì động tác nuốt mà chưa nhai kỹ làm cho hệ tiêu hóa dưới phải làm việc nhiều và nặng hơn, có thể làm giảm sự tiết men và giảm cả nhu động ruột.

– Đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, sữa… để tế bào ruột sinh sản và phát triển khỏe mạnh (chất đạm, vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin A…) để tiêu hóa và hấp thu tốt.

– Điều trị bệnh triệt để khi trẻ mắc bệnh và phòng ngừa bệnh chủ động bằng tiêm chủng. Đặc biệt, cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị bệnh: không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu. Cho trẻ ăn phục hồi sau giai đoạn bệnh.

Chế độ ăn cho mẹ khi con bị rối loạn tiêu hóa

Khi con bị rối loạn tiêu hóa, mẹ cần chú ý hơn trong thực đơn cho bé và cả mẹ nếu còn cho con bú.

Đối với bé: Cho đến tròn 10 tháng tuổi trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ đủ không cần ăn thêm sữa công thức) và 3 bữa bột/cháo xay (tổng 600ml/ngày) đặc dần, tổng tăng dần từ khoảng 45-60g gạo tẻ trắng, 45-60g thịt (tôm, cá…), 15g dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…

Lưu ý cho bé ăn bổ sung theo nguyên tắc: “ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc, làm quen từng loại thực phẩm…”nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, chỉ ăn gạo tẻ trắng, không ăn nước xương hầm, ăn nhạt… tròn 7 tháng sang tháng thứ 8 mới nên cho bé tập ăn tôm (cua, cá…).

Đối với mẹ:  Để duy trì đủ sữa cho con, mẹ nên ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc 200ml sữa công thức trước khi ngủ, tăng cường cho bé bú, vắt sữa khi không gần con (bạn nên uống lại nếu không có điều kiện mang về cho con).

Trong thời gian bé có tình trạng rối loạn tiêu hóa chế độ ăn của cả 2 mẹ con cần tạm dừng các loại thức ăn giàu chất đường ngọt, thức ăn của con nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa (gạo tẻ trắng, thịt lườn gà, thịt thăn lợn, thêm cà rốt, khoai tây…), thức ăn cần được hầm nhừ xay nhuyễn, có thể nấu loãng hơn và tăng bữa cho bé, vẫn đảm bảo cho dầu (mỡ) và cháo xay cho bé.

Truy cập website viemdaitrang.com.vn để biết thêm thông tin về bệnh viêm đại tràng hoặc gọi tới tổng đại miễn cước 1800545435 để được các chuyên gia tư vấn.