Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng mạn tính nhưng theo các chuyên gia có một số tác nhân gây bệnh chính phải kể tới như: 

Viêm đại tràng mạn tính do amip

Khi bị nhiễm lị amip, người bệnh thường có triệu chứng như: Phân nhày, có lẫn máu, kèm theo cảm giác mót rặn, bụng đau từng cơn.

Để chuẩn đoán bệnh viêm đại tràng do amip cần dựa vào xét nghiệm huyết thanh, nội soi đại tràng. Tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà có cách điều trị khác nhau khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh. 

Viêm đại tràng do lao (lao ruột)

Bệnh viêm đại tràng do lao có những triệu chứng nhiễm lao (sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi biếng ăn, thể trạng suy sụp), rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy kéo dài, phân đàm nhớt hoặc có máu). Bệnh diễn tiến lâu dài có thể gây ra tắc ruột hoặc lao màng bụng, nguy hiểm cho người bệnh.

Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng do lao ngoài dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh còn phải dựa vào xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong phân. Chụp X quang và nội soi đại tràng sinh thiết cho thấy những hình ảnh tổn thương và tìm tế bào điển hình của lao.

Viêm đại tràng màng giả

Vi khuẩn Clostridium difficile- tác nhân gây bệnh viêm đại tràng màng giả là loại vi khuẩn thường trú ở ruột bình thường không gây bệnh nhưng do sử dụng kháng sinh dài ngày gây loạn khuẩn ruột.

Bệnh viêm đại tràng màng giả diễn tiến mạn tính sẽ gây những tổn thương màng giả ở đại tràng, làm bệnh nhân tiêu chảy nước hoặc có lẫn máu, kèm theo sốt và triệu chứng nhiễm độc do độc tố vi khuẩn. Chẩn đoán dựa vào cấy phân tìm vi khuẩn, nội soi đại tràng kèm sinh thiết.

Viêm loét đại tràng vô căn

Bệnh viêm loét đại tràng vô căn là viêm đại tràng không có nguyên nhân từ vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm hay virus ở đại tràng. Nguyên nhân có thể liên quan đến những rối loạn miễn dịch, xảy ra trên những bệnh nhân bị stress nặng. Triệu chứng của bệnh gồm đau quặn bụng từng cơn, cảm giác đi tiêu cấp thiết, phân nhầy máu kèm sốt, sụt cân.

Viêm đại tràng do nguyên nhân khác

Bệnh Crohn, do AIDS, do vi khuẩn lậu, do virut Herpes simplex, do hậu quả xạ trị vùng bụng, vùng chậu… Việc chẩn đoán và có phương pháp điều trị viêm đại tràng do những nguyên nhân trên thường rất khó khăn và phức tạp.

Làm gì để chẩn đoán viêm đại tràng mạn tính / nguyên nhân gây viêm đại tràng mạn tính

Để chẩn đoán chính xác viêm đại tràng và nguyên nhân gây ra viêm đại tràng, ngoài căn cứ các triệu chứng lâm sàng thường gặp, các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm cần thiết hỗ trợ quá trình xác định bệnh như: 

- Xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng thiếu máu gây ra do tình trạng viêm nhiễm hay chảy máu đại tràng.

- Xét nghiệm mẫu phân: Đây là phương pháp giúp loại trừ các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn, siêu vi hay kí sinh trùng gây ra. Hiện diện bạch cầu trong phân giúp chẩn đoán bệnh.

- Nội soi đại tràng là lấy mẫu mô kiểm tra cũng như kiểm tra các dấu hiệu viêm loét

- Chụp X-quang cho người bệnh nhằm kiểm tra vùng bụng và các cơ quan lân cận.

- Chụp CT vùng xương chậu và bụng theo chỉ định của bác sỹ nếu nghi ngờ biến chứng viêm loét đại tràng.

Các biện pháp điều trị, phòng ngừa viêm đại tràng

Bệnh viêm đại tràng mạn tính là bệnh rất phổ biến hiện nay, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và hay tái phát lại. Để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh viêm đại tràng, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, bạn cần gặp ngay bác sỹ để điều trị kịp thời và sớm nhất có thể.

Điều trị viêm đại tràng thường được tuân thủ theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Thường là các loại thuốc kháng viêm, chống ký sinh trùng, thuốc giảm đau, chữa tiêu chảy.

Nếu tình trạng viêm đại tràng mạn tính diễn biến nghiêm trọng, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm thì nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đi phần đại tràng đã viêm.

Ngoài ra người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống thích hợp, đảm bảo bổ sung đầy đủ các vitamin, các chất dinh dưỡng để làm giảm tình trạng viêm mạn tính của đại tràng. Nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm sống, thức ăn giàu xơ khi bị tiêu chảy. Nếu bị táo bón thì người bệnh nên ăn nhiều chất xơ giảm chất béo.

Người mắc viêm đại tràng mạn tính dù do nguyên nhân nào thì cũng cần tránh các loại thức ăn cay, nóng, có chứa chất kích thích như cafein, rượu và các sản phẩm từ sữa,...; Nên chia thành từng bữa nhỏ, uống nhiều nước; Giảm áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, tập luyện thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sức khỏe nói chung.