Theo số liệu thống kê của Globocan (một dự án của Tổ chức nghiên cứu Bệnh ung thư Toàn cầu), ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 5 trong số các loại ung thư thường gặp tại Việt Nam, bệnh xuất hiện cả hai giới nam và nữ.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học tiến bộ của điều trị ung thư đại trực tràng di căn do Bệnh viện Bạch Mai  tổ chức chiều 21/11, tại Hà Nội

Thông tin từ hội thảo cũng cho biết theo thống kê trên, hàng năm, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng tại Việt Nam có hơn 8.700 ca và số ca tử vong là gần 6.000 người.

Theo các chuyên gia về ung bướu, ung thư đại trực tràng (ung thư ruột già) thực sự đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, trong bài trình bày tại hội thảo, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thống kê tại bệnh viện cho thấy, đa số các trường hợp ung thư đại trực tràng khi đến bệnh viện được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã ở tình trạng di căn. Chính vì vậy tình trạng bệnh khi phát hiện muộn ảnh hưởng khá lớn đến việc điều trị, khả năng chữa khỏi không cao, chi phí điều trị tốn kém…

Bệnh nhân chờ khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K

Ông Khoa cho hay, trong 10 năm qua, các kỹ thuật điều trị ung thư đại trực tràng đã có nhiều tiến bộ đáng kể, đặc biệt là những công nghệ chuyên sâu về sinh bệnh học phân tử của ung thư đại trực tràng làm cơ sở cho sự ra đời và phát triển của liệu pháp điều trị nhắm trúng đích phân tử từ năm 2004. Hiện nay, các kỹ thuật hóa chất điều trị tại các bệnh viện ung bướu của Việt Nam đã được cập nhật kịp thời, ngang tầm với các nước trong khu vực.

Cũng theo GS.TS Mai Trọng Khoa, mục tiêu điều trị cho ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn là làm giảm nhanh triệu chứng, kéo dài sống còn và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Hiện nay tỷ lệ tử vong vì bệnh đã giảm dần từ thập niên 1980 nhưng điều này phụ thuộc vào việc người bệnh phát hiện và điều trị sớm, đúng cách.

Để phát hiện ung thư đại trực tràng, theo GS.TS Mai Trọng Khoa, cách hiệu quả nhất là người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát căn bệnh này sớm thông qua xét nghiệm máu, nội soi toàn bộ đại tràng, siêu âm… nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường sớm. Bệnh này có gen di truyền, nên đối với người bệnh mà gia đình đã có người mắc bệnh này thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. “ Ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể chữa trị nếu người bệnh được phát hiện kịp thời, phát hiện sớm. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là yếu tố tiên quyết để chữa khỏi căn bệnh này”- GS.TS Mai Trọng Khoa nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bên cạnh sự tham dự của nhiều chuyên gia y tế Việt nam hàng đầu trong lĩnh vực chuyên ngành ung bướu, hội nghị có sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của giáo sư Hans Joachim Schmol - chủ nhiệm bộ môn ung bướu-huyết học tại Trường đại học Martin Luther (Đức), Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội ung thư nội khoa châu Âu (ESMO) về các liệu pháp bổ trợ cho ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm, ung thư tế bào mầm… cho các bác sỹ và chuyên gia ung bướu của Việt Nam.

Ung thư đại trực tràng thường có những triệu chứng cảnh báo như:

Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân. Bệnh xuất hiện nhiều ở những người trung niên, trên 50 tuổi. Những người tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao.

Tùy theo vị trí của khối bướu xảy ra ở phần nào của đại trực tràng mà có những triệu chứng riêng. Nếu ở đại tràng bên phải thì bệnh nhân thường có triệu chứng tiêu chảy, kèm theo táo bón. Nếu ở bên trái thì tắc ruột là triệu chứng nổi bật.

Riêng ung thư đại trực tràng, tiêu ra máu tươi và mót rặn là hai triệu chứng nổi bật. Ung thư ở vị trí này rất dễ chẩn đoán, nhưng không ít bệnh nhân đến điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn trễ. Lý do phổ biến là bệnh nhân nghĩ mình bị trĩ hay kiết lỵ. Không ít thầy thuốc đôi khi cũng bỏ qua việc thăm khám, từ đó dẫn đến sai lầm là điều trị bệnh trĩ, bỏ mất cơ hội điều trị khỏi bệnh.

 

Theo SKDS